5 phương pháp học tiếng Nhật hiệu quả cho người mới bắt đầu
Khi bắt đầu học một ngôn ngữ mới, chắc hẳn bạn cảm thấy vô cùng bỡ ngỡ và bối rối không biết nên bắt đầu từ đâu, học như thế nào. Đặc biệt là ngôn ngữ khó như tiếng Nhật, vậy học tiếng Nhật như thế nào cho hiệu quả, phương pháp học là gì?
Trước khi tìm hiểu về phương pháp học tiếng Nhật sao cho hiệu quả bạn cần nhớ một nguyên tắc: Khi mới bắt đầu học tiếng Nhật, bạn không nhất thiết phải học theo kiểu “hoàn hảo”: học thuộc 100% từ vựng mới, phát âm chuẩn 100%, nhớ 100% các cấu trúc ngữ pháp,… Hãy học vừa sức của mình và bao quát được nhiều phần kiến thức thay vì cố gắng học “tuyệt đối” 1 bài.
1. Học từ vựng
Trước tiên thì bạn cần nắm vững các bảng chữ cái, thuộc mặt chữ, cách phát âm thì mới có thể tiến đến việc học từ vựng.
Bạn có thể áp dụng một số cách học từ vựng như :
- Học theo băng ghi âm, vừa nghe vừa cố gắng ghi nhớ nghĩa của từ bạn nghe được. Phương pháp này còn giúp bạn luyện cả kỹ năng nghe và phát âm
- Sử dụng flashcards để học từ, một mặt ghi từ mới, một mặt ghi nghĩa kèm theo ví dụ
- Ôn tập từ vựng bằng ứng dụng Minder nó rất hữu ích cho người mới bắt đầu và muốn ghi nhớ từ vựng.
- Vận dụng từ mới vừa học bằng cách, dùng những từ mới đó đặt câu hỏi với cấu trúc ngữ pháp mà bạn biết. Ngoài ra, hãy tập nói những câu có sử dụng từ mới vừa ôn tập vừa rèn luyện kỹ năng nói.
2. Học ngữ pháp
Cấu trúc tiếng Nhật không chỉ nhiều mà còn khá khó hiểu và khó áp dụng luyện tập. Để học tiếng Nhật hiệu quả đầu tiên, bạn cần phân tích ngữ pháp theo các bộ phận: Chủ ngữ, vị ngữ, tính từ, giới từ. Sau đó đặt câu và tập viết đoạn văn khi đã có được một vốn ngữ pháp kha khá. Nếu bạn tự học thì hãy viết những đoạn văn có chủ đề gần gũi và thường gặp trong cuộc sống hàng ngày sẽ giúp bạn vận dụng tốt hơn và nhớ được lâu.
Bạn sẽ rất ngạc nhiên khi thấy những ngữ pháp đơn giản mình học được có thể diễn đạt được nhiều ý nghĩa hơn bạn nghĩ. Thông thường, bạn sẽ chỉ diễn đạt được ý tưởng theo những câu đơn mình đã học được mà không nhận ra bạn có thể kết hợp những câu đơn ấy lại để tạo ra một câu phức tạp hơn. Bạn nên tìm cho mình một môi trường có những người giỏi tiếng Nhật, nhất là nơi có nhiều người bản xứ để bạn có thể nghe và học hỏi cách họ phối hợp câu.
3. Học Kanji
Nhắc đến tiếng Nhật, Kanji luôn là nỗi ám ảnh đầy sợ hãi cho người học, đặc biệt là người mới bắt đầu. Bởi chữ Kanji có rất nhiều nét và nhiều cách đọc khác nhau cho một chữ. Nhưng đừng vì vậy mà bỏ qua chúng nhé vì Kanji chiếm tới 70% lượng từ vựng tiếng Nhật đấy! Bạn chỉ cần viết thật nhiều và hạn chế sử dụng Hiragana khi đọc và viết.
Một bí quyết cực hiệu quả khi học Kanji chính là liên tưởng hình vẽ và sáng tạo ra những câu chuyện. Vì Kanji là chữ tượng hình nên bạn hoàn toàn có thể tưởng tượng ra các câu chuyện dựa vào hình vẽ
4. Luyện nghe nói
Người Nhật nói rất nhanh, để bắt kịp tốc độ nói của người Nhật cần rất nhiều sự luyện tập. Một phương pháp cực kỳ hiệu quả giúp bạn vừa luyện nghe vừa luyện nói chính là ghi âm lại giọng của bạn. Phương pháp học tiếng Nhật cho người mới bắt đầu ở phần này là thực hiện tuần tự các bước sau:
– Phân tích câu nói: về cấu trúc ngữ pháp được sử dụng trong câu và ý nghĩa câu.
– Nghe bài nói mẫu của người Nhật.
– Tập nói theo bài nói mẫu đó.
– Ghi âm.
– Nghe lại đoạn ghi âm. Đây chính là lúc bạn đánh giá khả năng của mình bằng cách so sánh với bài nói mẫu, tìm ra những điểm bạn nói chưa giống và tập đi tập lại đoạn đó. Nếu có khả năng, bạn hãy nhờ những người giỏi tiếng Nhật nghe giúp bạn. Những người đã sử dụng thành thạo tiếng Nhật không chỉ nhận ra lỗi sai của bạn, mà họ còn phân biệt được các giọng địa phương ở Nhật và chỉ cho bạn cách phát âm hay nhất. Thường xuyên tiếp xúc và luyện tập với người Nhật là cách tốt nhất để bạn học nghe nói.
5. Tự học thêm và kết hợp nhiều loại sách
Bạn nên dành thời gian từ 1 đến 2 tiếng để hoc thêm tiếng Nhật kĩ năng của bạn sẽ được cải thiện đáng kể. Mỗi bộ sách có một ưu điểm khác nhau, ví dụ học theo giáo trình Minna no nihongo sẽ tốt cho việc học ngữ pháp nhưng bạn sẽ không học được Kanji và nghe nói. Vì vậy, hãy sử dụng kết hợp nhiều loại sách khác nhau để tận dụng các ưu điểm của từng bộ sách.